Ngành nhựa cũng lo tình trạng bị 'lợi dụng xuất xứ'

Ngày đăng: 26/10/2020 08:33 PM

TTO - Nếu không kiểm soát cẩn trọng, hoặc thiếu chủ động báo cáo khi phát hiện tình trạng doanh nghiệp lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp, ngành nhựa không chỉ mất thị trường mà còn mất luôn cơ hội tận dụng ưu đãi từ các FTA.

Ngành nhựa cũng lo tình trạng bị lợi dụng xuất xứ - Ảnh 1.

Ngành nhựa phát cảnh báo tình trạng chuyển tải bất hợp pháp nếu không có sự phòng vệ cẩn trọng - Ảnh: T.V.N

Ông Hồ Đức Lam, chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), đã cảnh báo như vậy tại "Hội nghị tổng kết ngành nhựa năm 2019, triển khai hoạt động năm 2020" tổ chức chiều 3-1 ở TP.HCM. 

Theo ông Lam, nếu các doanh nghiệp trong nước không chủ động kiểm soát, hoặc không chủ động thông báo đến VPA cùng cơ quan chức năng khi phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển tải bất hợp pháp từ việc "mượn" C/O từ Việt Nam để xuất khẩu, thì nguy cơ mất thị trường và mất luôn các cơ hội tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đã kỳ công tham gia sẽ thành hiện thực. 

"Các doanh nghiệp cần phải xem đó là chuyện của mình, chứ không phải khi nào liên quan trực tiếp đến mình thì mình mới lên tiếng. Nếu không, nguy cơ sẽ đến sớm hơn và thiệt hại sẽ càng nặng nề hơn nếu chúng ta thiếu sự phòng vệ một cách nghiêm túc", ông Lam cảnh báo.

Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, tổng thư ký VPA, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa Việt Nam năm 2019 ước đạt 4,69 tỉ USD, tăng 17% về trị giá so với năm 2018.  

Trong đó, chất dẻo nguyên liệu ước trên 1,28 tỉ USD, sản phẩm nhựa khoảng 3,418 tỉ USD, với 9 thị trường xuất khẩu có kim ngạch nhập khẩu đạt trên 100 triệu USD. 

Xét về góc độ cạnh tranh, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam hiện vẫn bị lép vế do nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 15 - 35% nhu cầu cho các chủng loại nguyên liệu nhựa khác nhau, 85% còn lại đang phụ thuộc vào nhập khẩu. 

Bên cạnh đó, số lượng mẫu mã, chủng loại sản phẩm của ngành nhựa còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng.