TTO - Thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp ngành nhựa trong nước đang phải đối đầu là nguồn cung nguyên liệu phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu trong bối cảnh giá biến đổi liên tục, bình quân nhập khẩu 1,5 - 1,7 triệu tấn/năm.
Toàn ngành nhựa hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó gần 99% là doanh nghiệp tư nhân, với quy mô đầu tư được cho là nhỏ, manh mún, thiếu sự liên kết trong quy mô sản xuất chuỗi - Ảnh: T.V.N
Ông Hồ Đức Lam - chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA) - cho biết mỗi năm ngành nhựa cần trung bình 2 - 2,5 triệu tấn nguyên liệu nhựa các loại, gồm PE, PP, PS… Tuy nhiên, khả năng cung ứng trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 800.000 tấn nguyên liệu nhựa (bao gồm 300.000 tấn nguyên liệu nhựa PVC).
Trong khi đó, chi phí nguyên vật liệu lại chiếm khoảng 70 - 80% giá thành sản phẩm, điều này dẫn đến chi phí giá bán của các doanh nghiệp trong nước rất khó cạnh tranh với các quốc gia có sản phẩm xuất khẩu tương tự đi các nước.
Theo ông Lam, một trong những mục tiêu được đặt ra cho ngành là làm sao chủ động được phần nào nguồn nguyên liệu nhựa.
Muốn vậy, chính sách của ngành công nghiệp hóa dầu cần có sự kết hợp chặt chẽ với chiến lược phát triển ngành hóa chất mới có thể giảm thiểu sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Năm 2017, ngành nhựa xuất khẩu được 2,5 tỉ USD nhưng phải chi đến 7,35 tỉ USD để nhập khẩu nguyên liệu nhựa và hóa chất các loại.
Thống kê giai đoạn 2012 - 2017 của VPA cũng cho thấy ngành nhựa nhập siêu trung bình trên 4 tỉ USD/năm, trong khi tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt bình quân 9%/năm cho cùng thời điểm nói trên.
TRẦN VŨ NGHI